Thu phí tham quan phố cổ có khả thi?

Kế hoạch buộc du khách phải mua vé khi vào tham quan phố cổ Hội An (thay vì chỉ mua vé tham quan các điểm di tích như trước đó) đang gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau.

UBND TP.Hội An (Quảng Nam) vừa ban hành phương án về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An. Theo đó, từ ngày 15.5, du khách phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào khu phố cổ. Vé vẫn giữ nguyên mệnh giá hiện hành (120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế, 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa). Thời gian bán vé từ 7 giờ 30 đến 21 giờ 30 vào mùa hè và đến 21 giờ vào mùa đông.

Để kiểm soát thu phí, sẽ có 2 lối đi riêng tại các đường chính vào khu phố cổ, dành cho người dân địa phương và cho du khách. Hội An cũng sẽ bổ sung, mở rộng không gian đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” cho tuyến đường Phan Chu Trinh. Phố đi bộ và xe không động cơ cũng sẽ thực hiện xuyên suốt từ 9 – 21 giờ 30 hằng ngày vào mùa hè và đến 21 giờ vào mùa đông (thay vì tạm dừng trong khung 11 – 15 giờ như hiện nay).

Hội An dự kiến thu phí 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa.

Ngoài ra, TP.Hội An cũng có một số ưu đãi như khách tham quan đi theo đoàn do các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch tổ chức thì có cơ chế miễn giảm. Một số ưu đãi “ngoại lệ” khác: Khách có chương trình tham quan và lưu trú tại Hội An vài ba ngày, tấm vé tham quan sẽ không chỉ bó hẹp trong 24 giờ mà có giá trị trong suốt thời gian lưu trú.

Theo ông Lanh, thực chất vé tham quan không phải dành cho toàn bộ phố cổ Hội An, mà chỉ giới hạn trong khu vực 1 của khu phố cổ, tức “vùng lõi” rộng 4 km2 với đậm đặc mật độ di tích kiến trúc nghệ thuật, công trình tín ngưỡng, dân dụng. “Quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ Hội An được xem như một “bảo tàng sống” về kiến trúc, về lối sống đô thị. Do vậy, mọi vấn đề hành xử với phố cổ mấy chục năm qua đều được đặt trong tầm nhìn tổng thể và cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng trên tất cả các lĩnh vực”, ông Lanh khẳng định.

Có một thực tế, lượng khách vào phố cổ Hội An nhưng không mua vé khiến khu di sản này quá tải. Trong số đó, nhiều du khách chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” rồi đùa giỡn, xả rác, gây mất trật tự. “Việc kiểm soát vé là giữ lại những dòng khách đàng hoàng cho một điểm đến thân thiện, để du lịch Hội An bài bản, công bằng và bình đẳng hơn với tất cả du khách”, ông Lanh chia sẻ.

Cho dù địa phương giải thích việc mua vé tham quan chỉ áp dụng ở khu vực 1, nhưng kế hoạch này vẫn tạo ra nhiều luồng thông tin trái chiều. Trên các trang mạng xã hội, có người ủng hộ vì cho đây là “công cụ” để kiểm soát bớt tình trạng quá tải hiện nay, nhưng có người không đồng tình vì cho rằng lợi bất cập hại, “tận thu”.

Anh Nguyễn Huy Hoàn (32 tuổi, một du khách đến từ Hà Nội) cho hay việc buộc mua vé vào phố cổ là tạo sự công bằng cho tất cả du khách, nhưng sẽ không ai chịu vào phố cổ Hội An để sáng ăn một ổ bánh mì, chiều uống ly cà phê, tối đi dạo phố ngắm đèn lồng, nhà cổ mà mất 3 lần mua vé cả. “Nếu TP.Hội An buộc tất cả du khách phải mua vé vào phố cổ thì sẽ mất nhiều hơn được, kéo theo đó lượng du khách đến Hội An sẽ giảm dần”, anh Hoàn nói.

Cấp “căn cước phố cổ” cho người dân

Bà Nguyễn Thị Thu (58 tuổi, ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) ủng hộ chủ trương phải mua vé, nhưng vẫn lo ngại có xáo trộn. “Vậy thì ai muốn vào thăm người thân bị ốm, đám tang… cũng phải mất tiền mua vé hay sao?”, bà Thu đặt câu hỏi.

Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Jack Tran Tours, đề xuất nên áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, khi mọi người đến điểm soát vé thì chỉ cần máy quét tự động thì sẽ nhận dạng được đâu là người dân Hội An, đâu là du khách.

Trước băn khoăn của nhiều người, đại diện lãnh đạo TP.Hội An cho rằng sẽ có phương án 2 làn lưu thông tại điểm soát vé trước khi vào phố cổ. Trước đây, du khách và người dân địa phương đều đi chung nên rất khó kiểm soát vé, gây phiền hà cho khách và mất an toàn. Bây giờ sẽ tách ra thành 2 làn, một dành cho người dân, một dành riêng cho du khách. Người dân địa phương cứ ra vào thoải mái, không ai kiểm soát, cũng không phải mua vé; riêng làn của du khách thì phải soát vé. “Từ nay đến ngày 15.5, thành phố sẽ làm từng bước. Trước hết, tập hợp các nội dung để họp với các đơn vị lữ hành, lắng nghe ý kiến của họ. Sau đó, Hội An sẽ họp bàn với người dân để lấy ý kiến, để họ hiến kế, tư vấn thêm cho chính quyền vì người dân là chủ nhân của di sản”, ông Lanh nói.

Nhưng làm sao phân biệt đâu là dân phố cổ, đâu là người “có lý do chính đáng”, đâu là du khách?

lãnh đạo TP.Hội An, nếu là người phố cổ Hội An thì nhân viên kiểm soát vé sẽ biết. Với người ở địa phương khác đến mà chưa mua vé, nhân viên soát vé sẽ hỏi đi đâu, mục đích gì; nếu tham quan thì sẽ nhắc nhở họ mua vé để phục vụ tốt hơn. Riêng đối với người thăm đau, tác nghiệp, nghiên cứu… thì ra vào bình thường, không yêu cầu mua vé. “Để phân biệt người dân phố cổ và du khách, sắp tới địa phương sẽ tiến tới quét mã, cấp căn cước phố cổ (thẻ riêng) cho người dân”, ông Lanh nói thêm.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho rằng mức phí hiện chưa tương xứng với giá trị của một di sản. Ở nhiều nơi khác, mức phí tham quan còn cao hơn và đa phần khách quốc tế ủng hộ, sẵn lòng đóng góp cho di sản. Về kế hoạch bắt buộc mua vé khi vào tham quan phố cổ Hội An, ông Thủy cho rằng vấn đề là cách TP.Hội An sẽ ứng xử, tổ chức thu phí thế nào để đảm bảo công bằng; nhất là công khai, minh bạch cho du khách thấy số tiền mình đóng góp đã quay lại với công tác bảo tồn di tích ra sao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *